Top 14 Khí Cụ Chỉnh Nha Chuyên Dụng Nhất Hiện Nay
Trong niềng răng, các bác sĩ cần sử dụng một số khí cụ chuyên dụng gắn lên răng nhằm mục đích tạo lực kéo vừa đủ để dịch chuyển các răng dần về vị trí mong muốn trên cung hàm. Tùy từng trường hợp và phương pháp khác nhau, dụng cụ được sử dụng không giống nhau. Trong bài viết này, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu chi tiết về 14 khí cụ chỉnh nha thường gặp nhất hiện nay để có cái nhìn tổng quan trước khi thực hiện niềng răng.
[Giải đáp] Khí cụ chỉnh nha là gì?
Chúng ta thường nghe đến khí cụ chỉnh nha trong niềng răng những thực tế không biết chúng là gì. Khí cụ chỉnh nha – một thuật ngữ dùng để chỉ dụng cụ chuyên dụng trong nha khoa, thuộc hệ thống niềng răng như niềng răng mắc cài, niềng răng tháo lắp hoặc niềng răng khay trong. Chúng có tác dụng nắn chỉnh, kéo răng mọc lệch, hô, móm, khấp khểnh về đúng vị trí mong muốn trên cung hàm.
Thông thường, khí cụ nha khoa sẽ nằm cố định để đảm bảo độ chắc chắn cũng như duy trì lực kéo răng ổn định trong các giai đoạn chỉnh nha. Tuy nhiên một số trường hợp những khí cụ này có thể tháo lắp linh hoạt, thuận tiện trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, giúp răng di chuyển dễ dàng hơn mà không ảnh hưởng đến kết quả niềng.
Tùy từng phương pháp niềng răng khác nhau, khí cụ chỉnh nha được sử dụng cũng không giống nhau. Khi đến thăm khám và tư vấn, bác sĩ sẽ giới thiệu đến bạn những khí cụ phù hợp sẽ được gắn lên răng.
Các loại khí cụ chỉnh nha thường gặp nhất hiện nay
Như đã nói, mỗi phương pháp niềng răng cần sử dụng loại khí cụ riêng để có thể đạt được kết quả như mong đợi. Thông thường sẽ có 2 phương pháp chỉnh nha chính là có mắc cài và không mắc cài. Ngoài ra, trong trường hợp niềng răng trẻ em, do đặc điểm răng, cấu trúc xương hàm khác nhau sẽ cần một số loại khí cụ riêng biệt.
Khí cụ chỉnh nha có mắc cài
Niềng răng có gắn mắc cài là kỹ thuật chỉnh nha truyền thống, xuất hiện từ khá lâu và cho đến hiện tại vẫn được mọi người lựa chọn vì cho hiệu quả tốt. Khi thực hiện, để đảm bảo đủ lực kéo răng mọc lệch về đúng vị trí, bác sĩ sẽ gắn một số khí cụ như:
1. Dây cung
Dây cung còn được gọi là Archwires – khí cụ nha khoa không thể thiếu khi niềng răng bằng mắc cài. Cấu tạo của dây cung dài, mảnh, được gắn cố định với mắc cài ở thân răng nhờ thun buộc hoặc chốt tự động. Chức năng chính của dây cung là tạo lực kéo giúp dịch chuyển vị trí các răng mọc lệch trên cung hàm, từ đó khắc phục tình trạng sai khớp cắn, răng mọc lệch. Suốt quá trình niềng, bác sĩ sẽ điều chỉnh lực siết dây cung định kỳ để đảm bảo răng dịch chuyển đúng như mong muốn.
Một số loại dây cung thường được sử dụng phổ biến hiện nay đó là dây cung Cobalt – Chromium, dây cung Niken – titan, dây cung hợp kim kim loại, dây cung Stainless Steel,…
2. Mắc cài
Tương tự như dây cung, mắc cài cũng là khí cụ chỉnh nha quan trọng đối với người niềng răng, được gắn trực tiếp lên bề mặt răng để giúp răng dịch chuyển đúng lực và hướng như mong muốn. Mắc cài có thể được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau, trong đó chất liệu pha lê và sứ được đánh giá cao hơn do có màu sắc tương đồng với răng thật, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Mắc cài thông thường được chia thành 2 loại chính:
- Mắc cài thường: Với loại mắc cài này, bác sĩ dùng thun buộc để giữ dây cung cố định trong mắc cài. Khi đó trong quá trình niềng, bạn cần thường xuyên đến nha khoa thăm khám, thay thun và siết răng. Lý do là bởi sau một thời gian, dây thun bị giảm độ đàn hồi, ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của răng.
- Mắc cài tự buộc: Có nhiều ưu điểm hơn mắc cài thường nhờ hệ thống nắp trượt tự động cố định dây cung trong rãnh mắc cài, thay thế cho thun buộc truyền thống. Khi đó lực kéo tác động lên răng ổn định, giúp răng nhanh chóng dịch chuyển đúng vị trí.
3. Band
Band hay còn gọi là khâu chỉnh nha, được hiểu là một vòng kim loại nhỏ, hình tròn, được gắn vào răng hàm số 6 hoặc 7, có cấu tạo gồm một móc phía ngoài để móc chun hay lò xo, ống phía má để luồn dây cung và ống phía lưỡi để gắn khí cụ khác.
Band có tác dụng tạo điểm tựa để hệ thống mắc cài vững chắc hơn, đồng thời hỗ trợ tác động lực vào răng để rút ngắn thời gian đeo niềng, do đó nó được sử dụng xuyên suốt từ đầu đến cuối quá trình chỉnh nha. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp chỉnh nha đều cần band niềng, chỉ những trường hợp cần tới khí cụ nong hàm hay thân răng ngắn, khi gắn mắc cài dễ bị bung mới được bác sĩ chỉ định dùng band.
4. Hook
Đây là khí cụ có dạng móc, được dùng để gắn dây thun. Hook thường được bác sĩ gắn ở răng nanh, răng cối nhỏ hoặc mắc cài của răng cối lớn. Với mỗi trường hợp khác nhau, bác sĩ có thể chỉ định những loại hook khác nhau như hook thẳng, hook cong, hook 1 móc, hook 3 móc,… Hook trong niềng răng sẽ được kết hợp cùng dây cung, thun buộc, minivis nhằm mục đích kéo hai hàm lại với nhau.
5. Vít niềng răng
Vít niềng răng hay minivis là khí cụ chỉnh nha có thiết kế hình xoắn ốc, khá nhỏ với chiều dài khoảng 6 – 12mm và đường kính từ 1,4 – 2mm. Vít niềng răng thường được bác sĩ dùng để tạo điểm vững chắc kết nối với hệ thống mắc cài, từ đó răng dễ dàng trở về đúng vị trí mong muốn trên cung hàm.
Khí cụ này có thể rút ngắn thời gian đeo niềng từ 3 – 9 tháng. Tuy nhiên không phải tất cả trường hợp chỉnh nha đều cần bắt vít niềng răng. Chúng chỉ được dùng trong các trường hợp cung hàm quá cứng, răng bị hô, cần nhổ răng số 4, 5 để tạo khoảng trống trên răng hoặc mất nhiều răng,…
6. Thun liên hàm
Thun liên hàm – rubber bands được dùng trong trường hợp niềng răng khểnh, răng mọc lệch về phía trên trên và cần điều chỉnh lại khớp cắn giữa hai hàm. Loại thun này có hình dáng tương tự thun thông thường nhưng độ đàn hồi cao hơn, được làm từ cao su, đảm bảo an toàn tuyệt đối với cơ thể.
Một đầu của rubber bands được gắn vào mắc cài hàm trên, đầu còn lại gắn vào mắc cài hàm dưới để tạo lực kéo vừa phải giúp răng dịch chuyển đúng như ý muốn. Tùy từng trường hợp khác nhau mà bác sĩ sẽ gắn thun ở vị trí riêng, có thể ở trên mắc cài hoặc gắn vào vít chỉnh nha.
7. Thun chuỗi
Đây là một dải cao su gồm nhiều vòng chữ O nối với nhau, thường được gắn lên hệ thống mắc cài nhằm đóng các khoảng trống giữa các răng trong suốt quá trình niềng.
Thun chuỗi này được làm bằng cao su, tuy nhiên đã được kiểm chính là an toàn, tương thích với cơ thể con người, có tính đàn hồi cao nên bạn có thể yên tâm khi sử dụng.
8. Lò xo
Với phương pháp niềng răng bằng mắc cài không thể thiếu lò xo. Đây là dụng cụ được thiết kế với nhiều vòng tròn nối tiếp nhau, thường được làm từ thép không gỉ, an toàn tuyệt đối với cơ thể. Khí cụ nha khoa này được gắn vào răng hàm kết nối với dây cung sau răng nanh. Lò xo trong niềng răng cần phải có độ đàn hồi đủ tốt để không làm cản trở hoạt động của răng hàm, giúp quá trình chỉnh nha thuận lợi hơn.
Hiện nay có 3 loại lò xo nha khoa chính:
- Lò xo đẩy có mục đích tạo thêm khoảng trống giữa các răng.
- Lò xo kéo có tác dụng đóng khoảng trống trong trường hợp răng thưa hoặc nhổ răng.
- Lò xo duy trì giúp duy trì khoảng trống hiện có giữa các răng.
9. Thiết bị nong hàm
Thiết bị nong hàm cũng là một trong những khí cụ được sử dụng nhiều trong nha khoa, có tác dụng tăng diện tích vòm miệng, hỗ trợ tạo khoảng trống để các răng dễ dàng di chuyển hơn.
Nong hàm được tiến hành trước khi gắn khí cụ chỉnh nha lên răng, thời gian đeo dụng cụ nong hàm tùy từng tình trạng của mỗi người, từ 1 – 6 tháng. Theo đó, các trường hợp cần dùng thiết bị nong hàm bao gồm: Đối tượng có hàm bị lệch, méo, vòm hàm quá hẹp, không đủ chỗ sắp xếp răng.
10. Dây thun tách kẽ
Dây thun tách kẽ chính là những miếng cao su hình tròn hoặc thanh kim loại hình chữ L, thường được gắn vào kẽ các răng số 5, 6, 7 nhằm mục đích nới rộng khoảng cách giữa hai răng, từ đó bác sĩ dễ dàng đặt band.
Quá trình niềng răng sẽ đạt được kết quả tốt nhất nếu khách hàng đeo thun tách kẽ trong 1 – 2 tuần. Nếu kiểm tra thấy khoảng trống đã đạt chuẩn, bác sĩ sẽ tháo thun tách kẽ và tiến hành gắn các khí cụ nha khoa khác.
Dây thun tách kẽ có 2 loại là thun cao su và thun kim loại, trong đó thun cao su được sử dụng phổ biến hơn cả.
11. Hàm duy trì
Khí cụ nha khoa này được dùng sau khi niềng răng thành công, thay thế cho hệ thống mắc cài và dây cung nhằm mục đích giữ răng ổn định, tránh xô lệch khỏi vị trí đúng trên cung hàm và đảm bảo duy trì kết quả sau khi niềng.
Hiện nay hàm duy trì có 2 loại là hàm cố định, sử dụng thanh kim loại hoặc dây duy trì để gắn vào mặt trong của răng. Một loại nữa là hàm duy trì tháo lắp, được thiết kế ở dạng máng trong suốt hoặc nhựa dẻo kết hợp kim loại. Loại này được ưu tiên sử dụng bởi có tính thẩm mỹ cao, thuận tiện, thích hợp cho nhiều đối tượng.
12. Sáp nha khoa
Sáp nha khoa là dụng cụ giúp hạn chế ma sát do mắc cài gây ra trên môi, miệng, lưỡi, từ đó tránh hiện tượng tổn thương, bong tróc, sưng đau trong quá trình niềng răng. Sáp nha khoa có đặc tính mềm, trong suốt, được bọc bên ngoài mắc cài để tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc miệng.
Thông thường khí cụ này được làm từ thành phần an toàn tuyệt đối, nếu chẳng may bạn nuốt phải cũng không có hại, tuy nhiên vẫn cần tháo sáp nha khoa ra khi ăn uống.
Dụng cụ niềng răng không gắn mắc cài
Bên cạnh niềng răng gắn mắc cài thì niềng răng không mắc cài cũng đang phổ biến hiện nay, được mọi người ưu tiên lựa chọn. Phương pháp này cho hiệu quả cao, trong khi vô cùng thuận tiện, không cần những dụng cụ phức tạp. Theo đó khí cụ chỉnh nha không mắc cài gồm 2 loại sau:
13. Khay trong suốt
Khay trong suốt có độ đàn hồi tốt, tác động một lực vừa đủ lên răng, từ đó giúp răng di chuyển từ từ đến vị trí mong muốn. Đặc biệt, nó được mô phỏng chính xác cấu trúc hàm, hình dáng răng, cho hiệu quả cao mặc dù không sử dụng hệ thống dây cung, mắc cài, thun buộc rườm rà.
Khay niềng trong suốt được thiết kế bằng vật liệu nhựa trong suốt, có tính thẩm mỹ cao, đặc biệt đã được kiểm nghiệm an toàn tuyệt đối với sức khỏe, lành tính nên trong quá trình sử dụng không gây ra bất kỳ kích ứng nào cho răng miệng. Thêm vào đó, khí cụ này dễ dàng tháo lắp linh hoạt mỗi khi ăn uống hay vệ sinh răng. Nếu đeo khay niềng trong suốt, người đối diện sẽ không thể nhận ra, do đó phương pháp này được nhiều người lựa chọn.
Niềng răng sử dụng khay niềng trong suốt có nhiều loại như Invisalign, ClearCorrect, Ortho Clear, 3D Clear,… Dù là sử dụng loại khay niềng nào, bạn cũng cần chú ý tuân thủ đúng nguyên tắc được đề ra trong quá trình chỉnh nha, đó là 2 tuần cần thay khay niềng 1 lần nhằm kiểm soát tốc độ di chuyển của răng, giúp đạt được kết quả chính xác như mong muốn. Khi đó trong thời gian niềng, mỗi người cần thay đổi từ 20 – 40 bộ khay khác nhau.
14. Attachment
Attachment chính là các mấu nhỏ được gắn trực tiếp lên bề mặt răng, thường được làm từ chất liệu composite, có màu trùng với màu sắc thật của răng. Loại khí cụ này có dạng hình vuông hoặc vát chéo, được bác sĩ gắn trong quá trình đeo khay niềng lần đầu tiên.
Attachment có tác dụng giữ khay niềng cố định, tránh tình trạng rơi tuột khỏi hàm, đồng thời còn tạo lực để các răng di chuyển đúng lộ trình được đưa ra.
Một số khi cụ khác dùng trong tiền chỉnh nha trẻ em
Đối với trẻ em khi niềng răng sẽ cần sử dụng những khí cụ nha khoa riêng do đặc điểm cấu trúc xương hàm, sự phát triển của răng. Dựa vào mức độ lệch lạc và từng đối tượng khác nhau mà bác sĩ chỉ định loại khí cụ phù hợp để niềng răng cho trẻ em, bao gồm:
- Khí cụ Headgear: Nếu các bé có xương hàm trên phát triển quá mức gây hô, bác sĩ sẽ sử dụng khí cụ Headgear để giảm mức độ hô xương hàm.
- Khí cụ Quad-Helix hoặc Wilson: Đóng vai trò mở rộng cung hàm, cho hiệu quả nhanh chóng, rõ rệt vì có thể điều chỉnh cả răng và xương hàm, ngăn ngừa được tình trạng răng mọc lệch về sau. Khí cụ Quad-Helix hoặc Wilson thường dùng cho trẻ có cung hàm hẹp, không đủ chỗ để răng có thể mọc đều, đẹp.
- Khí cụ Twinblock: Giúp điều chỉnh xương hàm dưới phát triển ra phía trước nhằm khắc phục tình trạng khớp cắn lệch lạc do mất cân đối trong quá trình phát triển xương hàm.
- Khí cụ 2×4: Loại khí cụ này có tác dụng sắp xếp để răng trên cung hàm có thể dàn đều, được chỉ định dùng trong trường hợp răng móm, hô, thưa, mọc lệch lạc,…
Khí cụ chỉnh nha có rất nhiều loại, tùy từng phương pháp được lựa chọn, đối tượng và mức độ sai lệch khác nhau mà bác sĩ sẽ dùng dụng cụ không giống nhau. Theo nguyên tắc, trước và trong quá trình niềng răng, khách hàng sẽ được bác sĩ tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng, vệ sinh và lưu ý riêng cho từng loại khí cụ, do đó bạn không cần lo lắng khi bản thân chưa thực sự hiểu rõ về những thiết bị này.
hãy là người tiếp theo
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!